VN keyboard_arrow_down
VN EN FR
X

Cốc Tình Suối Giàng

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp, khí hậu quanh năm mát mẻ. Với vùng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, Suối Giang đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách bốn phương. Nơi đây còn có một khu rừng còn nguyên sơ gắn với huyền tích kỳ bí thu hút rất nhiều khách tham quan, đó là Cốc Tiên nhi (còn gọi là Cốc Tình- “Tuyệt tình cốc” của Yên Bái).

Vì sao Cốc Tình ở Suối Giàng Yên Bái được xem như là “Tuyệt tình cốc”
Trong truyện kiếm hiệp “Thần điêu đại hiệp” của nhà văn Kim Dung (Trung Quốc) địa danh Tuyệt tình cốc là một chốn bồng lai tiên cảnh, là thiên đường dưới hạ giới, nơi diễn ra câu chuyện tình cảm của Tiểu Long Nữ và Dương Quá. Đó là nơi có phong cảnh đẹp, cách xa sự ồn ào của cuộc sống hiện đại và có sự trùng hợp nhất định với Tuyệt tình cốc trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Tóm lại, xuất xứ từ một địa danh trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, bất cứ nơi nào có cảnh sắc phong thủy hữu tình đều có thể được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc”. Nói đến tên này, đa số hình dung ra ngay một vùng đất của cả núi, sông, suối, hồ, cây cối, chim muông, hoang sơ, vắng vẻ. Và Cốc Tiên nhi Suối Giàng cũng là một nơi đẹp như thế!

Lý do nên chọn Cốc Tình là điểm tham quan
Cảnh đẹp thiên nhiên Điểm du lịch Cốc Tình với diện tích 4 ha là mô hình khám phá vẻ đẹp về thiên nhiên, cảnh quan môi trường. Tận dụng địa hình, địa vật tự nhiên, bằng sức sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, đồng bào Mông đã tạo cảnh quan bằng lối đi men theo hệ thống vách đá. Ngoài ra, những cây cổ thụ và hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất cũng được quy hoạch và chia thành từng khu vực tạo sự hấp dẫn, kỳ thu cho điểm du lịch. Khu rừng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, nhiều cây cầu, lối đi trong rừng làm toàn bằng vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, tre, trúc… Có những cây cổ thụ to mấy người ôm do tác động của thời gian bị đổ và chất nhưng vẫn được giữ nguyên. Vào ngày ít mây, có nắng, dưới tán lá xòe rộng, ánh sáng của mặt trời xuyên qua khe lá đổ dài xuống mặt đất tạo thành những vệt nắng dài xen lẫn không khí se lạnh của rừng đại ngàn làm cho vệt nắng cũng bảng lảng như mây. Xen lẫn vẻ đẹp của đá vôi được phủ đầy rêu, địa y là những cây anh (một loại cây họ tre cho măng rất ngon) mọc thẳng tắp, thành rừng như những tấm bình phong ngăn những làn gió mạnh, lạnh từ phía bắc thổi tới. Những cây chuối rừng hoa đỏ rực rỡ, xen lẫn những cây rêu, dương xỉ, những cây thuốc mọc tràn lối đi. Đặc biệt, không khí trong lành của khu rừng nguyên sinh sẽ đem đến cho du khách bầu khí quyển sạch tuyệt đối, bỏ lại, gột bỏ khói bụi ô nhiễm của thành phố để kết nối với thiên nhiên kỳ diệu nơi đây.

Sự tích của Cốc Tiên nhi- “Tuyệt tình cốc” ở Suối Giàng
​Tương truyền rằng, ngày xưa có 2 gia đình di cư về Suối Giàng đầu tiên. Khi sinh con, một gia đình sinh con trai, một gia đình sinh con gái. Họ hứa hôn với nhau rằng khi lớn lên sẽ cho đôi trẻ lấy nhau. Một thời gian sau, cùng với quá trình di cư đến Suối Giàng, dân cư dần đông đúc, người con gái yêu một người khác. Thấy vậy, hai gia đình kịch liệt phản đối. Đôi bạn trẻ trốn vào rừng hò hẹn. Qua thời gian, thấy hai người yêu nhau tha thiết, gia đình đồng ý cho họ lấy nhau nhưng 10 năm trôi qua mà đôi vợ chồng trẻ không có con. Khi đó cặp vợ chồng lập một bàn thờ ngoài bìa rừng để xin Tiên nhi và thần rừng cho có con, sau đó họ được toại nguyện. Tiên nhi là thần rừng có dung mạo nhỏ bé như trẻ con, cai quản việc sinh nở và chăm lo sức khỏe cho trẻ em người Mông. Đến nay bàn thờ cổ này vẫn còn dấu vết ngoài bìa rừng. Do tích xưa truyền lại và sự linh nghiệm của bàn thờ cổ, những cặp vợ chồng hiếm muộn thường mang lễ, rượu đến bàn thờ thiêng để khấn xin thần rừng.

Đến Suối Giang, du khách không chỉ được trải nghiệm các hoạt động cùng đồng bảo bản địa như hái chè, sao chè, thưởng thức hương vị đậm đà của chè Shan tuyết Suối Giàng. Cùng ăn bữa cơm với các món ẩm thực độc đáo của người Mông mà còn được tận hưởng không khí trong lành và chìm đắm trong không gian kỳ bí của miền rừng cổ tích…

Chia sẻ