Từ thuở xa xưa, cây chè Shan Tuyết đã gắn liền với dân tộc Mông Suối Giàng. Với họ “vạn vật hữu linh” thì những gốc Chè cổ thụ không chỉ là nguồn sống, nét văn hóa mà còn là nơi họ gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất ban phước lành cho dân bản.
Chè Shan Tuyết không mọc tập trung mà mọc tự nhiên trong rừng. Chúng sống bằng hơi đất, hơi sương, linh khí của đất trời nên được gọi là “trà ngậm sương”. Chè Tuyết Suối Giàng lá to, có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to, mập mạp. Mặt lá có phủ một lớp tơ mỏng, giống như tuyết phủ lên nên được gọi là chè Shan Tuyết. Cây chè càng già, thân càng trắng mốc, có hình xù xì, uốn lượn, là càng xanh đậm hơn. Nhưng chính vẻ xù xì, trắng mốc ấy lại mang đến cho cây chè Shan Tuyết giá trị sản phẩm, giá trị văn hóa và cả về thẩm mỹ cho những ai yêu chè, yêu thiên nhiên và con người nơi đây.
Chè Shan Tuyết thành phẩm sẽ có hình dáng săn lại bằng hạt đỗ anh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo, thanh cao của đại ngàn. Khi pha trà búp trà cho ra nước sánh vàng như màu mật ong, uống vào có vị ngọt, thanh mát. Nói đến Suối Giàng là nói đến Chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi. Xét về số lượng và tuổi đời thì chè ở đây không đâu so sánh được. Đây cũng chính là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông và vùng Suối Giàng.
Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch hoặc đầu xuân mới, người Mông Suối Giàng lại sắm lễ cúng cây Tổ Chè để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây Chè Shan.
Đến Không gian văn hóa trà Suối Giàng, du khách không chỉ nghĩ dưỡng, thưởng trà mà còn chìm đắm trong không gian của cảnh đẹp thiên nhiên, của những nét văn hóa đặc sắc cũng như những điều kỳ bí nơi đây.