VN keyboard_arrow_down
VN EN FR
X

Vương quốc Trà cổ thụ

Một buổi sáng đầu đông, chúng tôi dạo bước trên những dốc nhỏ trên đỉnh Suối Giàng để ghé thăm “Vương quốc Trà cổ thụ”. Hôm nay là ngày đẹp trời, thời tiết se lạnh, trời trong mặt trời bắt đầu lấp ló phía đằng Đông. Thoát khỏi những đám mây che, mặt trời xua đuổi làn mây mù. Trong sắc thanh thiên tinh khiết vô bờ vây quanh vầng thái dương trang trọng như một đĩa tròn đỏ rực nhô lên rải những tia vàng óng xuống mặt đất. Ngày đã rạng, bình minh đang tỉnh giấc.

Vương quốc Trà cổ thụ lặng lẽ trong ánh bình minh nổi bật bởi sắc xanh tươi rói,những búp chè non tơ, mập mạp, trắng tuyết được chắt lọc bởi tháng năm đang xôn xao chào đón bình minh. Thi thoảng có những cây vẫn còn hoa. Hoa trà màu trắng ngà, nhụy vàng, có mùi thơm nhẹ, mát, ngọt. Ánh nắng mặt trời bắt đầu phủ rộng khắp vườn trà như dát vàng khắp khu vườn.

Nhìn những cây trà (hoặc chè) có từ trên 300 năm tuổi, sừng sững, thân chè xù xì, trắng mốc, rễ chè bám chắc vào sườn núi. Tán lá chè rộng gần cả chục mét vuông xanh mướt mát, bao trùm cả diện tích khoảng 4,5 ha với khoảng 500 gốc, trong đó có 6 gốc được xếp vào loại “huyền thoại”. Ngoài ra, có rất nhiều gốc 100 năm, hơn 200 năm. Chắc có lẽ những cái tên: Vua Trà, Hoàng hậu trà, tể tướng trà… cũng xuất phát từ thâm niên, tên tuổi cống hiến. Quả thật, có những cây dáng, thế đẹp, xứng đáng gọi “hoàng hậu”.

Lối đi được bố trí ở giữa khu vườn nên có thể ngắm và quan sát những gốc trà một cách dễ dàng. Đưa tay ngắt “trộm” một búp trà tươi ăn thử, ban đầu là vị hơi chát, sau chuyển sang ngọt, dư vị ngọt vẫn còn vương mãi cuống họng sau này. Hỏi ra thì đây chính là sản phẩm của gia đình ông Giàng A Đằng. “Vương quốc Trà cổ thụ” này đã truyền qua bao đời, từ đời cụ, kị. Từ khi ấu thơ ông và con cháu đã thấy những cây trà ấy mọc ngay bên hiên nhà. Chỉ cần với tay qua ô cửa là có thể bứt được nắm chè, thả vào nồi nước thơm ngát mỗi bình minh trong căn nhà lợp bằng những mảnh gỗ pơ mu, bốn mùa mây phủ sương giăng. Có thể nói những gốc Trà ở “vương quốc” này có số tuổi cao nhất nhì ở đỉnh Suối Giàng này, nếu nói không ngoa có thể xếp vào bậc “Trà tiền bối”. “

Vương quốc Trà cổ thụ” ra đời từ một nỗi niềm trắc ẩn của người con Suối Giàng khi nhìn những cây trà cổ thụ xum xuê nhất, dáng vẻ thâm nghiêm u sần nhất cứ bị bứng cả bầu chạy về xuôi. Giá búp chè thu hái cả năm chả đủ tiền đóng học phí cho con đi học. Không thể để cho giống trà quý hiếm của tổ tiên bị rẻ rúng, mất giá trên thị trường. Giàng A Đằng, một người con Suối Giàng, lại ở cương vị lãnh đạo của xã, trăn trở bao đêm ngày để tìm hướng đi cho trà Shan Tuyết Suối Giang. Sau nhiều ngày suy nghĩ bàn bạc với vợ con và bà con thôn bản, anh quyết định phải bằng mọi cách để làm sống lại thứ trà đặc sản quê hương. Đồng thời lấy lại uy tín của giống chè tổ tiên, ông bà để lại, cũng là để cây chè Shan tuyết Suối Giàng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con dân bản. Đây chính là cách bảo vệ vùng chè, bảo vệ danh tiếng chè Suối Giàng, tạo sức hút người du lịch đến với vùng chè, tăng nguồn thu nhập cho bà con.

Ra về khi vầng sáng phương Đông đã trải rộng khắp đỉnh núi. Mặt trời từ sắc đỏ hồng, đã ngả màu nhạt hơn, mỗi lúc một sáng hơn, thêu lên nền vàng óng ả. Trong sự tĩnh mịch của ban mai, thi thoảng chim chóc đua nhau cất lên tiếng hót véo von từ núi rừng đại ngàn, rắc tiếng vọng khắp cả khu vườn bỗng thấy mẹ thiên nhiên thật ưu tiên khí hậu, cảnh đẹp nơi đây, “Vương quốc Trà cổ thụ”!

Chia sẻ