VN keyboard_arrow_down
VN EN FR
X

Tết Hàn thực 3/3 - Nhìn từ tục lệ Giã bánh dày của người Mông Suối Giàng

Tết Hàn thực, mang đậm văn hóa Phương Đông, khi vào Việt Nam mang ý nghĩa thể hiện rõ nét văn hóa, lối sống, những khát vọng ước mơ của người Việt. Tuy nhiên, với sự đa dạng về bản sắc, mỗi một dân tộc trong cộng đồng đại đoàn kết 54 dân tộc Việt Nam đều có những cách riêng để làm lễ cúng vào những ngày này. Điều dễ nhận thấy nhất vào ngày Tết này là món bánh trôi, bánh chay. Hay còn gọi Tết tháng 3 của người Việt.

Nhưng cũng có một món bánh rất có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Mông, Suối Giàng cũng mang những nguyên liệu truyền thống có ý nghĩa như bánh trôi, bánh chay. Đó là món bánh dày. Đây là món ăn hấp dẫn luôn hiện hữu trong ngày Tết cổ truyền, những dịp Lễ đặc biệt của người Mông Suối Giàng. Nguyên liệu chính của món này là gạo nếp. Gạo nếp để làm bánh dày phải thơm, trải qua quá trình ngâm gạo, thổi xôi, giã bánh để làm nên món ăn đầy hấp dẫn.

Đây cũng là thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên. Bánh dày còn tượng trưng cho Trời, vị thần linh của đồng bào Mông (ông trời trong tiếng Mông gọi là Giàng), tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời. Thưởng thức món bánh dày ở Suối Giàng, ta cảm nhận được độ thơm của gạo nếp, độ dền, dẻo săn của bánh, điều mà được tạo nên bởi kỹ thuật giã bánh dày khéo léo của người dân. Độ ngậy, bùi, béo của bột và nó càng trở nên có ý nghĩa và ngon hơn khi được thưởng thức bên bếp lửa hồng cùng với gia đình, bạn bè.

Món bánh dày ở Suối Giàng còn thể hiện tinh thần thượng võ, đức tính cần cù, dẻo dai của người Mông chống chọi với thiên tai, khó khăn của vùng sơn cước. Cũng như đồng bào dân tộc Kinh, đây còn là món ăn mang nhiều ý nghĩa hướng về cội nguồn, cảm tạ trời đất đã ban cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.