VN keyboard_arrow_down
VN EN FR
X

Tết tại Suối Giàng

Khi hoa đào, hoa mận khoe sắc, nở khắp núi rừng Tây Bắc, trên đỉnh núi là lúc báo hiệu không khí Tết đã về khắp nẻo đường, con dốc, nếp nhà của người dân Suối Giàng. Trước đây, đồng bào Mông ở Văn Chấn thường tổ chức ăn Tết cổ truyền của dân tộc bắt đầu từ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, có khi kéo dài đến Tết nguyên đán. Tuy nhiên, cùng với quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt và thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn mới đến nay người Mông Suối Giàng đã chuyển sang ăn tết Nguyên đán cùng với đồng bào dân tộc Kinh. Đây là bước thay đổi cơ bản về phong tục cũng như tư duy nhận thức của đồng bào nơi đây.

Người Mông chuẩn bị đón Tết như thế nào?
Theo truyền thống của người Mông, Tết Nguyên đán gọi theo tiếng Mông là “láu tra”. Mọi công việc chuẩn bị đón Tết của người Mông đều được tiến hành từ chiều 30 Tết. Người đàn ông trong gia đình dọn dẹp nhà cửa. Họ sẽ dọn bếp trước Tiên vì theo quan niệm của người Mông bếp là nơi quan trọng nhất. Là nơi giữ lửa, giữ ấm cho cả gia đình. Tiếp đến họ mới quét nhà, sửa sang và sắp xếp lại đồ đạc, khơi thông rãnh nước, dọn dẹp xung quanh nhà. Sau đó họ sẽ dùng giấy dó cắt hình vuông, hình chữ nhật để dán bài vị bàn thờ mới, dán lên cửa nhà, cửa sổ, các xà ngang, cuốc, xẻng, gùi… thể hiện âm dương giao hòa, ngày đất trời mở chu trình mới.

Người Mông chuẩn bị lễ cúng tổ tiên như thế nào
Một nét độc đáo trong Tết cổ truyền của người Mông là mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên phải mang vác các dụng cụ sản xuất như cuốc, xẻng, rìu, súng săn chuột…Trong ngày Tết của người Mông, bánh dày là thứ bánh quan trọng không thể thiếu trên bàn thờ và mâm cỗ ngày Tết. Bởi người Mông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời- là nguồn gốc sinh ra vũ trụ và loài người. Chiều 30 Tết chủ nhà phải làm thủ tục dâng cúng con gà trống còn sống và bánh dày trước bàn thờ tổ tiên để tổ tiên thần linh làm chứng rằng gia chủ đã có lòng dâng cúng. Lễ cúng thần linh tổ tiên tết phải là gà trống to và đẹp. Sau khi cắt tiết người ta nhỏ mấy giọt tiết lên tờ giấy nơi trú ngụ của thần linh và nhổ mấy chiếc lông cổ gà dán đè lên giọt tiết để làm tin.

Mâm cỗ sáng ngày mùng 1 cúng tổ tiên thần linh, các gia đình người Mông cúng bằng thịt con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn từ chiều 30, cùng với cơm mới nấu được đặt trên bàn thờ ở gian giữa nhà để mời tổ tiên thần linh về ăn Tết. Họ cùng cầu chúc một năm mới mọi người trong nhà đầy sức khỏe, sống vui vẻ hạnh phúc, ăn nên làm ra, công tác làm ăn phát đạt như ý.

Những trò chơi tại Hội xuân của người Mông ở Suối Giàng
Cùng với việc tổ chức đón Tết Nguyên đán, Hội xuân Suối Giàng được tổ chức ở bãi đất trống gần trụ sở UBND xã Suối Giang với nhiều hoạt động vui chơi diễn ra suốt 5 ngày. Trong 5 ngày lễ hội, người Mông diện những bộ đồ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu chơi các trò chơi truyền thống như: ném pao, đánh cù, đẩy gậy, thổi khèn…

Ném pao là trò chơi rất phổ biến của người Mông. Đây là trò chơi ném bắt quả pao được làm bằng vải thổ cẩm. Trò chơi ném pao phù hợp với tất cả mọi người song phụ nữ thường đam mê trò này hơn cả. Bên cạnh đó còn có trò chơi truyền thống đánh cù, trò đẩy gậy. Trò đánh cù hầu hết chỉ có nam giới tham gia. Còn trò đẩy gậy là trò chơi đối kháng thể hiện sức mạnh đàn ông.

Một đặc trưng của Hội xuân tại Suối Giàng là Hội thi giã bánh dày. Bánh dày của người H'Mông không có nhân, cũng không dùng bất kỳ một loại gia vị nào nên bánh giữ nguyên vị ngọt tự nhiên và thơm dẻo của gạo nếp nương. Sau khi kết thúc phần thi, bánh sẽ được đem ra mâm cỗ để mọi người cùng thưởng thức.

Tết không chỉ là dịp để mọi người vui chơi mà còn là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau và tham gia các trò chơi. Những chàng trai Mông say mê biểu diễn các điệu khèn trong ngày hội của dân tộc mình. Những thiếu nữ Mông e ấp trong những điệu múa dân tộc. Tất cả họ đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình với những hoa văn rực rỡ. Người H’Mong quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời các thần linh tới ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điềm dữ. Những ngày diễn ra Hội xuân hầu hết mọi người dân trong vùng đều cùng nhau múa hát, chung vui với những trò chơi truyền thống.

 

Chỉ với hơn 3 giờ đồng hồ lái xe từ Hà Nội, Không gian văn hóa trà Suối Giàng là một điểm đến lý tưởng cho những ai đang muốn tận hưởng không gian bình yên, thơ mộng giữa núi rừng Tây Bắc vào dịp Tết. Gác lại những bộn bề công việc thường ngày vào dịp Tết, đến với không gian văn hóa trà Suối Giàng vào thời gian này, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí chuẩn bị đón Tết ấm cúng của đồng bào người H’Mông. Để nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng cảnh đẹp trên đỉnh núi mờ sương giữa vườn trà cổ thụ và thưởng thức những ly trà Shan Tuyết tuyệt hảo.

Liên hệ với chúng tôi để đặt lịch ngay, hoặc gọi số Hotline: 0968 661 610 - 0384 629 668 để được tư vấn chi tiết.