Trên thế giới, ở nhiều nơi đều có văn hóa thưởng trà rất riêng và chứa đựng nhiều nét độc đáo, đặc sắc. Thưởng trà được xem là một môn nghệ thuật. Nó nuôi dưỡng tinh thần, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của con người và mỗi vùng đất.
Nhân ngày “Chè thế giới” chúng ta cùng tìm hiểu sự tinh tế, tao nhã, sự khác biệt trong văn hóa trà (chè) của một số nước nổi tiếng về trà như: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh… Có thể nói, nghệ thuật thưởng trà mang nhiều ý nghĩa văn hóa và nhân văn. Nói cách khác, việc thưởng trà chính là cách giáo dục nhân cách sống điềm tĩnh, xử sự nhẹ nhàng. Đồng thời nó cũng là cách giúp con người tìm được sự bình yên trong tâm hồn.
Nghệ thuật thưởng trà là gì?
Thưởng trà là một bộ môn nghệ thuật kết hợp giữa nét đẹp của bộ ấm trà. Thêm vào đó, vị thơm ngon đặc biệt của loại trà kết hợp với thao tác chuyển động tỉ mỉ, cộng với sự thư thái trong các bước, từ bước pha, nếm, thưởng thức tạo thành một khối thống nhất hòa quyện. Nghệ thuật thưởng trà mang đến nguồn cảm hứng mới, nuôi dưỡng tinh thần của những người yêu trà. Ở các nước có nghệ thuật trà đạo như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam thì mỗi tách trà thể hiện con người, tinh thần, văn hóa của quốc gia riêng biệt đó. Chúng ta cùng tìm hiểu cụ thể nhé:
Nghệ thuật thưởng trà của Việt Nam
Ở Việt Nam, trà được xem là thức uống tao nhã. Nghệ thuật thưởng trà thể hiện sự thư giãn, tinh thần hiếu khách của gia chủ. So với sự cầu kỳ của trà đạo Nhật Bản hay Trung Hoa thì trà đạo của Việt Nam đơn giản hơn. Nó đơn giản trong cách pha chế, trong không gian thưởng thức trà. Tuy nhiên, với những người Việt Nam có kiến thức chuyên sâu, uyên thâm về trà thì lại có sự khắt khe, đòi hỏi hơn ở cả hương lẫn vị. Mặt khác, thưởng trà ở Việt Nam không chỉ là thói quen mà còn là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Nó là sự tỉ mỉ, chu đáo, tâm tư của người pha. Trà ở Việt Nam có những công thác độc đáo riêng. Nó có thể được ướp với nhiều loại hoa như hoa nhài, sen, hoa lan… Nổi bật hơn nhất đó là trà sen.
Nghệ thuật thưởng trà (trà đạo Nhật Bản)
Nói đến người Nhật là nhắc đến những đức tính kiên trì, nhẫn nại, khiêm nhường, tỉ mỉ… Vf chính những đức tính ấy phần nào cũng được rèn luyện từ chính nghệ thuật trà đạo của Nhật Bản. Họ rất kỳ công trong việc thưởng trà. Đó không đơn giản là vị thơm mà còn đặc biệt chú trọng trong khâu pha chế. Thậm chí là cả không gian thưởng trà. Trà sử dụng trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản thiên về bột trà chứ không như búp trà của Việt Nam. Với những cử chỉ nhanh nhẹn, khéo léo và cẩn trọng, bạn sẽ thấy được cả bầu trời văn hóa, những nét tinh túy, cốt cách Nhật Bản khi chứng kiến những kỹ thuật pha trà đỉnh cao. Khi chọn dụng cụ pha trà, người Nhật chọn những tách trà nhỏ nhắn, đơn giản nhưng lại được điểm xuyết bởi những đường nét tinh tế. Mặt khác, trà đạo Nhật Bản rất kén chọn không gian. Đối với họ, sự tĩnh lặng phải là yếu tố hàng đầu. Với người Nhật, tách trà không đơn giản là một thứ thức uống, nó chứa đựng và truyền tải sự thư giãn, thể hiện sự hài hòa với thiên nhiên, con người của xứ sở hoa anh đào.
Nghệ thuật thưởng trà Trung Quốc
Đây là cái nôi, quê hương của văn hóa thưởng trà. Dù những ngôi nhà cổ của người Trung Hoa dần được thay thế bởi những tòa nhà chọc trời thì đất nước này vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời về trà. Trong nghệ thuật thưởng trà của Trung Quốc không giữ những tiêu chuẩn, quy tắc khắt khe như Nhật Bản nhưng nó vẫn chứa đựng đầy yếu tố nghệ thuật, sự tinh tế, đẹp mắt. Đến với đất nước nổi tiếng về trà đạo này, bạn sẽ thấy được đôi bàn tay hoa ngọc của những cô gái thao tác một cách thuần thục, tỉ mỉ. Đôi bàn tay khéo léo từ việc xúc ấm, tráng ấm, chọn chè, tráng chén… Ngoài yêu cầu bộ ấm chén pha trà tinh tế, sạch sẽ, người Trung Hoa còn yêu cầu lượng nước pha trà vừa đủ, bưng trà phải đúng cách, thêm trà phải kịp giờ… Tất cả những vẻ đẹp về trà đều được gìn giữ, xem trọng từ văn hóa thưởng trà của quốc gia này.
Nghệ thuật thưởng trà Hàn Quốc
Nghệ thuật thưởng trà ở Hàn Quốc có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng dưới sự tiếp nhận sáng tạo người thưởng thức mang phong các riêng của Hàn Quốc. Nó là sự kết hợp giữa nghi lễ và sự thư giãn và hài hóa của nền văn hóa Korea hiện đại. Văn hóa thưởng trà Korean không quá cầu kỳ, gò bó nhưng vẫn có những nguyên tắc bắt buộc mang đến sự thư giãn cho người thưởng trà. Tất cả hòa trộn tạo thành một nét riêng trong nghệ thuật thưởng trà Korean. Từ xa xưa các bậc vua chúa quy định trong tục cúng tổ tiên phải có trà đi kèm. Từ đó đến nay nghệ thuật thưởng trà Korean đã có nhiều biến đổi cho phù hợp nhưng vẫn mang nét truyền thống nhất định. Một nét đặc trưng trong phong cách thưởng trà Korean còn là trà cụ. Tùy thuộc từng mùa trong năm mà nghệ nhân dùng chất liệu trà cụ khác nhau. Trà cụ mùa hè gồm những bát kiểu “katade” có miệng rộng để nước trà nóng mau nguội. Mùa thu và đông kiểu bát “irabo” giữ được nhiệt của nước trà vì phải uống nóng. Chất liệu trà cụ chủ yếu là gốm sứ và kim loại với các kiểu dáng đơn giản nhưng thanh thoát, phản ánh sự gắn kết hòa thuận với thiên nhiên. Đặc biệt, nổi bật là những trà cụ làm bằng gốm tráng men mà đến nay người ta vẫn ưa dùng tạo thành một phong cách- phong cách gốm Hagi.
Văn hóa trà chiều Anh Quốc
Cũng như văn hóa Á Đông, trà chiều được xem là tinh hoa văn hóa của Anh Quốc. Nó được xem là thứ “không thể thiếu”. Thật vậy, người Anh có câu nói đùa “nước Anh có thể thiếu Nữ hoàng nhưng không thể thiếu trà được”. Trà chiều truyền thống của người Anh thường dùng những loại trà nổi tiếng như Earl Grey, Assam, Ceylon… Đi kèm với đó là một chút bánh sandwich, bánh nướng socola kèm kem cuộn và mứt bánh ngọt. Thêm vào đó, trà phải được đựng trong bộ ấm tách cùng hoa văn cách điệu tinh tế, sang trọng như phong cách người Anh.
Tóm lại Tìm hiểu nghệ thuật thưởng trà ở các nước khác nhau để thấy rằng giá trị lịch sử của trà. Nó có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế- xã hội của các nước, của thế giới. Những ý nghĩa lịch sử của nghệ thuật thưởng trà chính là nền văn hóa sâu sắc. Nghệ thuật thưởng trà gắn liền với đời sống và như một thứ không thể tách rời trong cuộc sống hàng ngày của con người. Và đương nhiên, ngày chè thế giới ra đời như một bước đột phá, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao giá trị cây chè.