VN keyboard_arrow_down
VN EN FR
X

Trẻ em Suối Giàng, những điều đọng lại

Team chúng tôi lên Suối Giàng vào lúc quá Ngọ, mặt trời đã bắt đầu hướng về phía Tây. Trời hôm đó cao, xanh, ít mây, gió nhẹ, thời tiết mát mẻ, đúng như đặc trưng khí hậu trong lành nơi đây. Nắng nhẹ, không gắt, màu vàng nhạt trải đều, vương vấn khắp không gian khu Homestay “Không gian văn hóa trà Suối Giàng”.

“Lớp học sẻ chia” nơi trang bị kỹ năng sống, hành trang cuộc sống
Ngay cổng “Nahi Village- Ngôi làng hạnh phúc” bên tay trái là “Lớp học sẻ chia” được thiết kế theo lối kiến trúc mở tôi nhìn thấy lớp học đang có học sinh. Tò mò đến gần, tôi lặng lẽ quan sát, hình như các bạn nhỏ là người dân ở đây. Vì sự đơn sơ, giản dị trong bộ quần áo mang trên người, vì những ánh mắt rất hiền, ngây thơ đang chăm chú nghe giảng bài. Bài học có nội dung một số nghề truyền thống của đồng bào Mông.

Theo tôi được biết, người dân sinh sống tại Suối Giàng chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo dù đã giảm nhưng vẫn cao, thu nhập bình quân thấp. Tỷ lệ trẻ em đến trường đã tăng hơn trước nhưng vẫn chưa phổ cập được hết số trẻ em đến tuổi đi học. Học sinh của “Lớp học sẻ chia” chính là các bạn nhỏ trong xã. Đó là những bạn có hoàn cảnh khó khăn, những bạn có năng khiếu, những bạn nhỏ yêu trà. Điều đặc biệt của lớp học là học sinh được miễn phí và người dạy là tự nguyện, không nhận tiền thù lao. Tất cả chỉ một mục đích muốn kiến thức về trà, về văn hóa bản địa được lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu.

Đến với lớp học các em sẽ được chia sẻ các nội dung về nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông. Cách bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật của người dân bản địa. Đồng thời, các em được đào tạo nghệ thuật sản xuất trà (hái trà, ướp trà, sao trà), nghệ thuật thưởng trà (cách pha trà, mời trà…). Thêm vào đó, các em sẽ được học cách chia sẻ lợi ích, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vùng cao xã Suối Giàng trước sự phát triển của du lịch.

Vườn trà Shan tuyết cổ thụ, nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ
Xế chiều, chúng tôi dạo bước trong khu vườn trà cổ thụ, tôi lại thấy một đám trẻ nhỏ đang nô đùa dưới gốc cây chè to. Đứa thì chân đất, đứa dép tổ ong, đứa đứng, đứa ngồi, đứa thì vắt vẻo trên cành cây vươn dài. Khi chúng tôi đến gần cả bọn 4-5 đứa “tót” lên trên những cành cây già lụ khụ, còn “nhõn” 2 ông ở dưới không lên được vì hết chỗ. Cả lũ thích thú bàn tán chuyện gì đó rồi phá lên cười. Tiếng cười giòn tan hòa vào giữa không gian màu xanh của vườn trà xanh ngắt, của núi rừng đại ngàn. Hỏi ra mới biết, chúng là con cháu, hàng xóm láng giềng trong thôn.

Hình như, chè Shan Tuyết Suối Giàng không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà nó gắn liền với người dân nơi đây. Xét ở nhiều khía cạnh, nó gần gũi, gắn với tuổi thơ của trẻ em nơi đây. Cho dù là cách tiếp cận dưới hình thức tham gia lớp học hay trải nghiệm những trò chơi dưới gốc trà cổ thụ thì đó mãi là những kỷ niệm đẹp trong hành trang vào đời sau này.

Ngẫm ra, có khi vị trà, hương trà đã ngấm vào da thịt chúng từ thuở lọt lòng, chúng lớn lên bởi được tắm lá trà, uống nước trà, ăn lá trà non. Có lẽ, hương vị ấy sẽ đi theo suốt cuộc đời, cho dù ở đâu. Phải chăng, đây cũng là cách mà bản sắc văn hóa trà Suối Giàng được gìn giữ và bảo tồn truyền qua bao đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho dù cuộc sống đôi khi vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những giá trị văn hóa thì vô giá, mãi trường tồn.

Ra khỏi vườn chè, vẫn thấy tiếng cười văng vẳng đâu đây. Ước mong cho tất cả bà con nơi đây có đời sống kinh tế khấm khá hơn, các em ở nơi đây tất cả đều được đến trường. Và đảng, chính quyền xã Suối Giàng vẫn đang tiếp tục có định hướng và giải pháp để biến ước mơ kia thành hiện thực.