Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, miền Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế đảm bảo vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược. Nằm ở cửa ngõ chiến trường Tây Bắc, Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về mặt quân sự. Là khu đệm giã hậu phương với mặt trận Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (10/1952), Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Khi đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang đó là mở đường Từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe, mở đường 13A nối Ba Khe với đường 41 (ngã ba Cò Nòi- Sơn La), tổng chiều dài 188km. Từ tháng 4/1953, các đơn vị công binh cùng dân công Yên Bái đã khởi công mở đường cho xe ra tiền tuyến.
Là hậu phương lớn trực tiếp của mặt trận, ngoài việc mở đường, người dân Yên Bái còn đóng góp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Với quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch lương thực, thực phẩm nuôi quân đồng bào Tày, Thái đã đóng góp hơn 500 tấn thóc. Ở các vùng tự do cũ như Yên Bình, Lục Yên… ngày giao lương trở thành ngày hội. Từ các xã vùng cao đến vùng thấp, lương thực được chuyển về các kho cung cấp kịp thời cho tiền phương. Trong chiến dịch lớn của dân tộc, đồng bào các dân tộc Yên Bái đã giao xay giá 1.578 tấn thóc, đã xuất hiện hàng nghìn cối giã nước ở các xã Hồng Ca, Thượng Bằng La, Tân Thịnh… giã gạo ngày đêm phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng. Bằng cách động viên thích hợp, tỉnh Yên Bái đã cung cấp cho mặt trận 1.880 tấn gạo, 1.372 con trâu, 489 con lợn thịt, hơn 2.700 kg đỗ, đậu, lạc.
Không chỉ mở đường, cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí thô sơ, quân và dân Yên Bái còn trực tiếp tham gia chiến dịch, hướng về tiền tuyến, thanh niên trong tỉnh nô nức lên đường tòng quân. Trong chiến dịch này, Yên Bái huy động 31.652 lượt dân công, trung bình cứ 4 người dân có một người đi phục vụ chiến dịch. Có thể khẳng định, chính những đóng góp to lớn của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái với chiến dịch Điện Biên Phủ là rất quan trọng. Nhờ con đường huyết mạch nối từ Việt Bắc qua Yên Bái ra mặt trận nên sự cơ động của pháo binh, xe tải, xe thồ được linh hoạt. Những cân gạo, thực phẩm được đồng bào các dân tộc trong vùng cung ứng tại chỗ kịp thời, vô điều kiện, giúp cho quân ta ăn no, đánh thắng. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm và mồ hôi, xương máu của đồng bào các dân tộc.
Yên Bái đối với Đảng, với quân đội trong thời kỳ gian khó.
68 năm đã trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng là mốc son chói lọi của lịch sử tỉnh Yên Bái. Truyền thống quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết, yêu nước của quân và dân Yên Bái vẫn được tiếp tục phát huy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Yên Bái quyết tâm thực hiện thành công chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.